Bức tranh mùa thu và tâm trạng của Đỗ Phủ trong Thu hứng
Gợi ý
Thơ Đỗ Phủ có nhiều bài tuyệt, hay, một trong số đó là Thu hứng. Đọc Thu hứng, người ta vừa có thể ngắm bức tranh thu tuyệt đẹp, vừa chia sẻ được bao tâm sự trong lòng thi nhân.
Bài thơ tự nó chia thành hai phần. Bốn câu trước tả cảnh, trong cảnh đượm tình. Bốn câu sau thể hiện tình cảm thi nhân nơi đất khách trên nền phong cảnh ở bốn câu trước. Bức tranh cảnh vật được bắt đầu từ sự đổi màu của rừng phong:
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
(Sương móc trắng xoá làm tiêu điều cả rừng cây phong)
Từ những hình ảnh mang tính biểu tượng trong thơ cổ Trung Quốc như ngọc lộ (sương móc), phong thụ (cây phong), người đọc có thể hình dung mùa thu đã đến trên đất Quỳ Châu này – nơi Đỗ Phủ đang cư ngụ. Hình ảnh sương móc, rừng phong còn gợi lên sự lạnh lẽo và nỗi buồn. Hai chữ điêu thương vừa miêu tả rừng phong tàn tạ, vừa thể hiện nỗi buồn thương của con người. Trong từ vựng Trung Quốc, thông thường người ta chỉ dùng “điêu tạ”, “diêu linh”, “điêu lạc”, “điêu tàn”, chỉ với Đỗ Phủ mới có “điêu thương”. Rừng phong điêu tạ, lòng người bi thương” (PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Hải). Trở lại nhan đề bài thơ, Thu hứng, tức là “cảm hứng mùa thu”. Ngay câu thơ đầu chúng ta đã bắt gặp “hứng”, đó chính là nỗi buồn được gợi lên từ khung cảnh rừng phong tàn tạ; lòng người buồn thương.
Đến câu thơ thứ hai, thi nhân đưa cái nhìn ra xa, thu vào tầm mắt hình ảnh núi Vu, kẽm Vu:
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm (Núi Vu, kẽm Vu hơi thu hiu hắt)
Thiên Sông ngòi ở cuốn Thủy kinh chú đời Lục triều miêu tả: Suốt cả vùng Tam giáp (Vu giáp, Cù Đường giáp, Tây Lăng giáp) dài bảy trăm dặm, núi liên tiếp đôi bờ, tuyệt không có một chỗ trống. Vách đá điệp trùng che khuất cả bầu trời, chẳng thấy cả ánh nắng lẫn ánh sáng trăng. Hai chữ tiêu sâm trong câu thơ Đỗ Phụ đã lột tả được thần thái phong cảnh nơi đây. Sự hùng vĩ, hiểm trở của núi Vu, kẽm Vu phải nhoà đi sau hơi thu tối tăm, ảm đạm. Hai câu thơ đầu tả cảnh rừng núi tĩnh tại nhưng đượm tình thu.
Nếu như hai câu đầu, hướng nhìn của thi nhân di chuyển từ rừng núi xuống lòng sông (câu 3) và bao quát theo chiều rộng thì đến hai câu sau, hưởng nhìn lại chuyển từ lòng sông lên vùng quan ải và quét theo chiều dọc. Cảnh sắc ở hai câu này cũng không đẫm màu bi thương, tàn tạ nữa mà có phần hùng tráng, dữ dội:
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
(Giữa dòng sông, sóng vọt lên tận lưng trời,
Trên cửa ải, mây sà xuống giáp mặt đất âm u.)
Sóng và mây vận động ngược chiều, lấp kín cả không gian, gây ấn tượng xao động dữ dội và nghẹt thở. Cảnh hùng vĩ thật nhưng vẫn bị lấn át bởi cảm hứng bi tráng vôn thường thấy trong thơ Đỗ Phủ. Không gian quan ải hợp với không gian rừng núi bên trên mang đến người đọc cảm giác khá đậm nét về nỗi buồn mà thi nhân dường như cố tình phong kín trong lời thơ.
Trời đất bao la của mùa thi bị dồn nén, thu hẹp lại khiến nhãn giới con người phải tự thu về. Nhưng rút tầm mắt về, mùa thu vẫn hiện qua dòng lệ trên khóm cúc. Để rồi, thi nhân phải đô’i diện với mối tình quê hương trong lòng:
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
(Khóm cúc nở hoa đã hai lần (làm) tuôn rơi nước mắt ngày trước,
Con thuyền lẻ loi buộc mãi tấm lòng nhớ nơi vườn cũ.)
Có thể nói đây hai câu hay nhất, tiêu biểu cho tinh thần của Thu hứng. Tác giả đã đồng nhất tình và cảnh (nhìn hoa cúc nở mà trông như xoè ra những cánh hoa bằng nước mắt), hiện tại và quá khứ (giọt lệ hiện tại cũng là giọt lệ củá quá khứ). Hoa thường khiến người ta vui nay lại làm con người thêm buồn. Điều lạ lùng là tùng cúc của không nở ra hoa mà nở ra nước mắt. Đối cảnh sinh tình hay chính con người đã phổ tình vào cảnh. Chiếc thuyền lẻ loi là một hình ảnh ẩn dụ không chỉ vì tính chất trôi nổi, đơn độc của nó mà còn vì nó là phương tiện duy nhất để Đỗ Phủ gửi gắm vào đó ước vọng về quê.
Nhãn tự của hai câu thơ là hai động từ khai (nở) và hệ (buộc). Thông thường, hai động từ này gắn với các vật thể vật chất, nhưng trong lời thơ khai và hệ còn gắn với những thứ thuộc về tinh thần, tình cảm (nở ra… nước mắt, buộc vào… trái tim). Đi kèm với hai động từ đó còn là hai số ‘từ lưỡng, nhất. Lưỡng vừa là hai, vừa chỉ số nhiều, chỉ sự lặp lại: đã từng nở, bây giờ lại nở, đã từng rơi nước mắt, giờ lại rơi nước mắt. Nhất là “một”, là “duy nhất” nhưng cũng là “mãi mãi”, nhất hệ là “buộc mãi”. Mỗi còn chữ chất chứa nỗi lòng thi nhân, thể hiện một nỗi nhớ thương vườn xưa, nhà xưa tha thiết.
Mạch thơ chuyển đột ngột từ tả cảnh sang gợi thanh:
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.
(Chỗ nào cũng rộn ràng đao thước để may áo rét,
Về chiều, thành Bạch Đế cao, tiếng chày đập áo nghe càng dồn dập.)
Sáu câu thơ trước không hể có một âm thanh nào. Đến hai câu cuối này, sự tĩnh lặng đó bị phá vỡ bởi bao âm thanh: tiếng “thước” đo vải, tiếng “dao” cắt vải, tiếng chày đập vải để may áo rét. Đây chính là âm thanh đặc thù của mùa thu Trung Quốc khi xưa – may áo ehống rét gửi cho người chinh thú đang trấn thủ biên cương bởi mùa thu lạnh lẽo đang về. (Lúc này, loạn An Lộc Sơn đã được dẹp nhưng đất nước chưa yên, bao người còn giữ ải xa). Bóng tối khiến con người chỉ có thể nghe thấy âm thanh tiếng chày đập vải. Âm thanh của mùa thu may áo, âm thanh của sinh hoạt đời thường nhưng cũng là âm thanh não lòng. Nó gợi niềm thương nhớ người thân nơi phương trời giá lạnh. Nó cũng thắc thỏm một nỗi lo âu vì chiến tranh chưa dứt… (PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Hải). Hai câu thơ kết lại bài thơ nhưng lại mở ra nỗi buồn nhớ, lo âu. Đó cũng chính là “thu hứng” bắc bài thơ này sang bài thơ sau.
Thu hứng mang đến người đọc ấn tượng về một mùa thu nhưng quan trọng hơn, chúng tạ đã có thể tri âm với Đỗ Phủ về những tâm sự sâu kín trong lòng thi nhân.
Hocvanvanhoc.com