Bình luận câu nói Phải dũng cảm trong cuộc sống – Văn mẫu tuyển chọn
Hướng dẫn
Lòng dũng cảm mang đến sức mạnh để con người hoàn thành tốt mọi công việc. Bàn về vai trò của lòng dũng cảm đã có câu nói Phải dũng cảm trong cuộc sống. Anh chị hãy viết bài nghị luận bình luận về câu nói Phải dũng cảm trong cuộc sống.
I. Dàn ý chi tiết cho đề nghị luận câu nói Phải dũng cảm trong cuộc sống
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề nghị luận: lòng dũng cảm trong cuộc sống
2. Thân bài
– Giải thích: dũng cảm là một phẩm chất tốt đẹp của con người
– Chứng minh:
+ Trong chiến tranh có biết bao người dám hy sinh vì Tổ quốc
+ Trong xã hội hiện đại cũng có những người dám xả thân vì người khác
+ Dám làm điều bản thân mình muốn
- Đó là dũng cảm
– Tác dụng của lòng dũng cảm?:
+người có lòng dũng cảm sẽ tự tin hơn vào bản thân, có bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống
+ được mọi người yêu mến
– Bài học bản thân: để trở thành một người dung cảm phải luôn vững tin vào hành động của bản thân
3. Kết bài
Khẳng định vấn đề nghị luận: hãy luôn dũng cảm làm điều mình muốn vì cuộc sống này là của bạn.
II. Bài tham khảo
Một trong những đức tính quan trọng của con người là lòng dũng cảm. Dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng cần lòng dũng cảm.
Dũng cảm ở đây là không sợ nguy hiểm, không sợ khó khăn. Người có lòng dũng cảm là người dám làm những điều bản thân mình muốn, dám đứng lên chống lại cái xấu, cái ác, bảo vệ chính nghĩa.
Dũng cảm là một phẩm chất tốt đẹp của con người. Trong chiến tranh đã có biết bao người anh dũng chiến đấu quyết tâm bảo vệ Tổ quốc để rồi họ mãi yên nghỉ nơi chiến trường. Có biết bao lá thư tay được viết bằng máu của các chiến sĩ xin lên đường ra trận, bao nhiêu con người lấy thân mình lấp lỗ châu mai… Khi chiến tranh qua đi, dũng cảm không còn ở việc lên đường ra trận mà ở ngay trong những lần phòng chống tội phạm của các chiến sĩ công an. Rồi cũng có rất nhiều tấm gương sẵn sàng hy sinh bản thân để giúp đỡ người khác. Đó là câu chuyện của Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7, trường THPT Đô Lương 1, Nghệ An).
Khi đi ngang qua sông Lam thấy nhóm học sinh chới với giữa dòng nước, nam sinh không hề đắn đo mà nhanh chóng lao xuống cứu người. Sau khi đã cứu được bốn em học sinh vào bờ, Nam thấy vẫn còn một em đang dần bị ngạt nước, cậu bạn đã dùng hết sức lực giúp em nhỏ được vào bờ. Nhưng tiếc thay, chàng trai trẻ đã bị kiệt sức rồi dần bị nước cuốn trôi. Đó còn là câu chuyện về chàng trai trẻ Trần Hữu Hiệp (sinh năm 1988) – một trong chín nạn nhân trong vụ lật cano trên sông Soài Rạp (huyện Cần Giờ. TP.HCM) đã dũng cảm nhường áo phao cho những người gặp nạn khác, cứu sống được năm người. Đó là dũng cảm.
Và hàng ngày cũng có rất rất nhiều những câu chuyện, những tấm gương dũng cảm sẵn sàng hy sinh bản thân để bảo vệ người khác. Nhưng dũng cảm còn thể hiện ở việc bạn dám làm những điều mà bản thân bạn muốn. Bạn chưa từng có kinh nghiệ làm lớp trưởng trong suốt nhiều năm học nhưng vẫn dám dơ tay ứng cử cho chức vụ này, đó là dũng cảm. Bạn ưng ý một bộ quần áo nhưng nó có vẻ khác lạ so với mọi người nhưng bạn vẫn dám mặc nó, đó là dũng cảm. Bạn dám đứng lên bảo vệ ý kiến của bản thân mình, đó cũng là dũng cảm… Trước khi dũng cảm làm những điều cao siêu hãy bắt đầu từ việc làm điều mình muốn.
Người có lòng dũng cảm sẽ có bản lĩnh hơn, sẽ tự tin hơn vào bản thân mình. Hiện nay lòng dũng cảm đã trở thành một chuẩn mực đạo đức của xã hội, là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá nhân cách của con người. Để trở thành một người dũng cảm bạn cần phải luôn vững tin vào hành động của bản thân, dám làm dám chịu. Và tôi tin chắc rằng một người dũng cảm làm điều mình muốn, dám dũng cảm bảo vệ cái tốt chắc chắn sẽ được nhiều người quý mến và trở thành tấm gương của nhiều người.
Đừng giống như một con rùa chỉ biết chui vào trong vỏ bọc của nó khi có động mà hãy dũng cảm làm những điều mà bạn muốn vì cuộc sống này là của bạn và bạn có quyền hưởng thụ nó theo cách riêng của mình.
Theo Tapchivanhoc.com