Bình giảng bài thơ Cảm hoài của tác giả Đặng Dung – Văn mẫu lớp 10 tuyển chọn

Bình giảng bài thơ Cảm hoài của tác giả Đặng Dung – Văn mẫu lớp 10 tuyển chọn

Hướng dẫn

Cảm hoài là tiếng lòng của người anh hùng thất thế với khát khao cống hiến tài năng, sức lực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước nhưng bất lực trước tuổi già. Anh chị hãy bình giảng bài thơ Cảm hoài để thấy được những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ này.

I. Dàn ý chi tiết cho đề bình giảng bài thơ Cảm hoài

1. Mở bài

Giới thiệu về tác phẩm “Cảm hoài”:

– Hoàn cảnh ra đời: Ra đời trong hoàn cảnh trước khi tác giả bị tướng Minh Trương Phụ bắt và đang sống trong hoàn cảnh lẩn trốn trong rừng núi sâu.

– “Cảm hoài” của tác giả Đặng Dung là một trong số những tác phẩm tiêu biểu mang tính chất bi hùng và để lại nhiều cảm thức về cái bi. Bài thơ toát lên tâm trạng bi tráng của người anh hùng qua những hình ảnh kì vĩ.

2. Thân bài

– Mở đầu tác phẩm, tác giả đã đem đến bức tranh về xã hội Việt Nam thời bấy giờ cũng như bi kịch tâm trạng của tác giả:

+ “Thế sự du du”: bối cảnh rối ren của đất nước ta vào những năm giặc Minh giày xéo, xâm lược trong khi các cuộc khởi nghĩa nổi lên đều lực mỏng,

+ trong khi tuổi tác khiến con người sức càn lực kiệt tác giả vẫn muốn “gom cả trời đất rộng lớn lại mà ném vào một cuộc say”.

tầm vóc tư tưởng lớn lao, vĩ đại của chủ thể trữ tình.

– Hai câu thơ tiếp theo nói về quan điểm của tác giả về sự thành bại ở đời chung quy là do trời quyết định:

+ Tác giả đã sử dụng biện pháp đối lập giữa “đồ điếu” và “anh hùng”.

+ khi gặp thời có thế, những người tầm thường cũng có thể thành công, còn khi không gặp thời, lỡ vận thì dẫu là người anh hùng cũng chỉ có thể nuốt hận.

niềm bi phẫn trước thời cuộc.

– Nối tiếp mạch trữ tình ở những câu thơ trước, hai câu thơ thứ 5 và thứ 6 thể hiện tâm trạng phẫn uất buồn đau một cách bi tráng:

Xem thêm:  Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

+ hình ảnh “phù địa trục”- nâng trục trời đất, là cách nói đầy hình tượng thể hiện mong muốn nâng đỡ giang sơn.

+ “tẩy binh” chỉ hành động rửa binh khí sẵn sàng ra trận.

– Ở hai câu thơ cuối bài thơ, tiếng lòng đau đớn xót xa của tác giả một lần nữa được nhấn mạnh với vẻ đẹp tráng lệ:

+ Hình ảnh “dưới nguyệt mài gươm” được đặt trong bối cảnh “quốc thù”.

+ Hình tượng vị tướng quân với mối thù nước đau đáu trong lòng hiện lên đầy bi hùng.

c. Kết bài

Khái quát giá trị của bài thơ: Bằng ngôn ngữ thơ điêu luyện, những hình ảnh thơ kì vĩ, tác phẩm đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật trữ tình với nỗi cảm hoài tê tái và tư tưởng mang tầm vóc vũ trụ. Tiếng lòng đau đớn xót xa về thời cuộc, về vận thế, về người anh hùng và thù nước hiện lên vừa bi hùng, vừa bi tráng.

II. Bài tham khảo cho đề bình giảng bài thơ Cảm hoài

Trong nền văn học trung đại Việt Nam, chí khí của người anh hùng trước vận nước luôn là đề tài quen thuộc. “Cảm hoài” của tác giả Đặng Dung là một trong số những tác phẩm tiêu biểu mang tính chất bi hùng và để lại nhiều cảm thức về cái bi. Ra đời trong hoàn cảnh trước khi tác giả bị tướng Minh Trương Phụ bắt và đang sống trong hoàn cảnh lẩn trốn trong rừng núi sâu và cảm thấy bế tắc trong con đường khôi phục lại sự nghiệp chống giặc Minh, bài thơ toát lên tâm trạng bi tráng của người anh hùng qua những hình ảnh kì vĩ có sức diễn tả mạnh mẽ khát vọng tình cảm của tác giả:

“Thế sự du du nại lão hà

Vô cùng thiên địa nhập hàm ca

Thời lai đồ điếu thành công dị

Vận khứ anh hùng ẩm hận đa

Trí chủ hữu hoài phù địa trục

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch

Kỉ độ long tuyền đái nguyệt ma”

Mở đầu tác phẩm, tác giả đã đem đến bức tranh về xã hội Việt Nam thời bấy giờ cũng như bi kịch tâm trạng của tác giả:

Xem thêm:  Viết bài văn kể về các hoạt động tình nghĩa đối với các gia đình thương binh liệt sĩ ở địa phương em mà em đã từng được tham gia hoặc chứng kiến

“Thế sự du du nại lão hà

Vô cùng thiên địa nhập hàm ca”

(Việc thế lôi thôi tuổi tác này

Mênh mông trời đất hát và say)

Bài thơ đã thể hiện “thế sự” rối ren của đất nước ta vào những năm giặc Minh giày xéo, xâm lược trong khi các cuộc khởi nghĩa nổi lên đều lực mỏng, thế cô. Ngày tháng qua mau, trong khi tuổi tác khiến con người sức càn lực kiệt. Trước “thế sự du du”, tác giả muốn “gom cả trời đất rộng lớn lại mà ném vào một cuộc say”. Hai câu thơ mở đầu đã cho thấy tầm vóc tư tưởng lớn lao, vĩ đại của chủ thể trữ tình. Khi đặt bài thơ vào hoàn cảnh thực của tác giả, chúng ta càng hiểu rõ hơn về chí khí này.

Đặng Dung vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước kiên cường, bất khuất. Cha ông là Đặng Tất, và ông đều là những anh hùng hào kiệt ở thời hậu Trần, nhưng đáng tiếc thay, thời cuộc rối ren khiến Đặng Tất chết oan vì sự nghi kị của kẻ cầm quyền là Giản Định Đế, còn Đặng Dung lại tử tử đầy uất hận trong tay giặc Minh. Vì thế số phận của họ là những anh hùng lỡ vận và không gặp được minh chúa.

Hai câu thơ tiếp theo nói về quan điểm của tác giả về sự thành bại ở đời chung quy là do trời quyết định:

Thời lai đồ điếu thành công dị

Vận khứ anh hùng ẩm hận đa

Tác giả đã sử dụng biện pháp đối lập giữa “đồ điếu” và “anh hùng” để thể hiện rõ quan điểm: khi gặp thời có thế, những người tầm thường cũng có thể thành công, còn khi không gặp thời, lỡ vận thì dẫu là người anh hùng cũng chỉ có thể nuốt hận. Mặc dù thấu hiểu rõ quy luật về thời thế nhưng tác giả vẫn rơi vào bi kịch, thậm chí tâm trạng đó còn bị dồn nén và đẩy lên cao độ, trở thành niềm bi phẫn trước thời cuộc rối ren và lòng căm thù đối với giặc Minh xâm lược.

Nối tiếp mạch trữ tình ở những câu thơ trước, hai câu thơ thứ 5 và thứ 6 thể hiện tâm trạng phẫn uất buồn đau một cách bi tráng:

Xem thêm:  Phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ

Trí chủ hữu hoài phù địa trục

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà

Khát vọng lớn lao của người anh hùng đã được diễn tả thành công thông qua hình ảnh “phù địa trục”- nâng trục trời đất, là cách nói đầy hình tượng thể hiện mong muốn nâng đỡ giang sơn đang nghiêng đổ và “tẩy binh” chỉ hành động rửa binh khí sẵn sàng ra trận.

Ở hai câu thơ cuối bài thơ, tiếng lòng đau đớn xót xa của tác giả một lần nữa được nhấn mạnh với vẻ đẹp tráng lệ:

“Quốc thù vị báo đầu tiên bạch

Kỉ độ long tuyền đái nguyệt ma”

(Quốc thù chưa trả già sao vội,

Dưới nguyệt mài gươm đã bấy chầy)

Chí khí quật cường và tinh thần kiên trì chiến đấu của tác giả hiện lên đầy bi tráng qua khí thơ dồn nén và nỗi niềm uất hận. Hình ảnh “dưới nguyệt mài gươm” được đặt trong bối cảnh “quốc thù” khiến hình tượng vị tướng quân với mối thù nước đau đáu trong lòng hiện lên đầy bi hùng. Chính trong cảm quan bi hùng, bi tráng đó mà sự bền bỉ và chí khí anh hùng toát lên một cách rõ nét.

Bằng ngôn ngữ thơ điêu luyện, những hình ảnh thơ kì vĩ, tác phẩm đã khắc họa thành công hình tượng nhân vật trữ tình với nỗi cảm hoài tê tái và tư tưởng mang tầm vóc vũ trụ. Tiếng lòng đau đớn xót xa về thời cuộc, về vận thế, về người anh hùng và thù nước hiện lên vừa bi hùng, vừa bi tráng.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

hoaphuong 25 310x165 - Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Soạn bài Ôn tập phần làm văn lớp 10 hay đầy đủ nhất

Ôn tập phần làm văn lớp 10 là bài tổng hợp các kiến thức văn …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *