Hồ Quý Ly có tên chữ là Lý Nguyên, ông là vua sáng lập ra triều đại nhà Hồ. Tuy nhiên, ông chỉ trị vì được 1 năm thì trao ngôi cho con là Hồ Hán Thương để lên ngôi làm Thái thượng hoàng cho đến khi ông bị bắt sang nhà Minh sau khi thua trận vào năm 1407. Hồ Quý Ly trước có tên là Lê Quý Ly, sinh năm Ất Hợi – 1335, quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Về dòng dõi Hồ Quý Ly, sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, quyển VII chép như sau:
… Tổ tiên Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật, vốn là người Triết Giang bên Trung Quốc, thời Hậu Hán (947-950) được vua Hán cử sang làm Thái thú Châu Diễn (tức vùng Diễn Châu, Nghệ An). Đến thời loạn mười hai sứ quân, họ Hồ dời vào hương Bào Đột (nay là xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) và trở thành một trại chủ. Đến đời cháu thứ 12 của Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Hồ Liêm làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn rồi lấy họ Lê. Hồ Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Liêm, khi làm vua thì đổi lại họ Hồ…
Cuối năm 1370, Cung Định vương Trần Phủ đảo chính lật đổ Dương Nhật Lễ để lên ngôi vua, tức Trần Nghệ Tông. Lê Quý Ly khi đó là anh em họ bên ngoại nên rất được Nghệ Tông tin tưởng. Năm 1371, ông được Trần Nghệ Tông bổ nhiệm làm Trưởng cục chi hậu, chẳng bao lâu sau, ông lại được thăng lên làm Khu mật viện đại sứ. Sau khi nhà nước đã hết loạn quân Chiêm xâm phạm bờ cõi, Lê Quý Ly ngày càng tỏ ý chuyên quyền hơn. Đối với những người có ý không phục tùng mình thì ông xui Trần Nghệ Tông giết đi. Do đó, nhiều hoàng tử, thân vương đều bị giết hại. Mặc dù vậy, Trần Nghệ Tông vẫn đặt vào Quý Ly một niềm tin tuyệt đối. Cho nên những người trung thần đều chán nản không ai muốn nói năng gì nữa. Đến tháng 3-1400, Quý Ly cướp ngôi nhà Trần và đổi quốc hiệu là Đại Ngu.
Và như vậy, cách thức chiếm ngôi báu của nhà Trần đối với nhà Lý đã được lặp lại với chính nhà Trần. Chuyện bắt đầu từ việc Hồ Quý Ly một lần tình cờ thấy câu thơ được vạch trên cát. Không ngờ đó là định mệnh cho ông lấy được công chúa Nhất Chi Mai làm vợ sau này. Cả chính sử lẫn giả sử đều cho rằng, Hồ Quý Ly và Nhất Chi Mai (Huy Ninh công chúa) là một thiên tình sử, mà bất kỳ ai thời đó đều mơ ước. Tương truyền, Hồ Quý Ly lúc hàn vi thường theo người cha nuôi họ Lê đi buôn đường biển. Một lần thuyền chở hàng ghé vào bờ, Quý Ly thấy trên bãi biển có ai vạch lên cát câu thơ: Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai (tức trong cung Quảng Hàn có một cành mai) và nhẩm thuộc lòng câu thơ đó.
Về sau, Hồ Quý Ly dần dà được làm quan. Sách “Việt sử giai thoại” chép: Vào một ngày nọ, vua Trần nghỉ ở điện Thanh Thử. Sân điện ấy có đến hàng ngàn cây quế. Nhà vua nhân đó ra câu đối rằng: Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế (tức trước điện Thanh Thử có hàng ngàn cây quế). Bầy tôi theo hầu chưa ai kịp đối. Hồ Quý Ly nhớ lại câu văn trên bãi cát ven sông thuở nào, liền đối lại. Cả hai câu ghép lại thành hai vế đối nhau rất chỉnh. Nghĩa là: Thanh Thử điện kia ngàn gốc quế, Quảng Hàn cung nọ một cành mai.
Nghe xong các quan đều phục tài Hồ Quý Ly, vua Trần càng kinh ngạc hơn bởi nhà vua có một công chúa đặt tên là Nhất Chi Mai. Nàng ở trong cung cấm không ra đến ngoài. Vua hỏi Quý Ly: Nhà ngươi làm sao biết được trong cung tả ta có công chúa tên Nhất Chi Mai, tòa lầu của công chúa là cung Quảng Hàn do chính ta đặt tên? Quý Ly cứ tình thực tâu bày. Hoàng đế nói: Đấy là số trời! Và có thể vì lẽ cho là chuyện lạ, là duyên trời đã định nên nhà vua đã gả công chúa Nhất Chi Mai cho Quý Ly. Nhờ đó, Quý Ly cứ phất như “diều gặp gió”. Đối với hai vua cuối nhà Trần, với tư cách là Phụ chính lại là cha vợ và sau cùng là ông ngoại của vua, Hồ Quý Ly có đủ mọi điều kiện thuận lợi để chuyên quyền… rồi giành ngôi báu.
Lời bàn:
Theo quan điểm Nho giáo thì Hồ Quý Ly là kẻ nghịch thần tiếm ngôi vua, đại gian, đại ác. Nhưng nếu xét ở các mặt khác thì Hồ Quý Ly lại là nhà cải cách, nhà chính trị không mang hoài bão xây dựng đất nước thái bình. Song, suy cho cùng là một nhà chính trị nhưng Hồ Quý Ly lại là người có tư cách quá tầm thường, ích kỷ. Vì khi làm quan cho nhà Trần, đầu tiên ông ta xu nịnh trước kẻ có quyền thế, sau chỉ biết dựa vào thân thế và tài nịnh vua để leo lên, lại ngầm dựng bè đảng tạo thế lực hùng hậu cho mình. Thân là quan đại thần mà không chính trực vì công việc mà lại làm chuyện dối vua, lừa dưới và sẵn sàng sát hại đồng liêu. Một người như vậy thì quả là đại gian thần.
Và lịch sử phong kiến của nhân loại đã chứng minh rằng, dù ở phương Đông hay phương Tây, ở đâu có ông vua yếu thì ở đó tất sẽ có người khác lên thay thế. Vì vậy, việc Hồ Quý Ly lên ngôi không phải là chuyện lạ mà đó cũng là sự thay đổi thời thế tất yếu của lịch sử. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ người lên thay đó có chính danh hay không. Trong khi người người đều kỳ thị ông là kẻ phản nghịch, cho nên việc làm của Hồ Quý Ly chẳng được ai đón nhận mà còn trở thành cái cớ cho giặc Minh xâm lược. Cũng chính vì thế mà công lao của ông đương thời chẳng ai ghi nhận mà cái tội cướp ngôi thì ai cũng biết. Thế mới hay rằng, thời nào cũng vậy, người làm chính trị ngoài cái tài quản lý ra, còn phải biết gây dựng cho mình danh tiếng tốt.
N.D