Bài thơ đuổi giặc

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Ngô Miễn Thiệu là người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Kinh Bắc, nay thuộc xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518) đời vua Lê Chiêu Tông. Ông giữ các chức quan như Thượng thư bộ Lại kiêm Đô ngự sử, Chưởng Hàn lâm viện sự, Nhập thị Kinh diên và tước Lý Khê bá. Sau ông làm quan cho nhà Mạc, giữ các chức như Thượng thư bộ Lễ, Đông các Đại học sĩ, Ngự sử đài Đô Ngự sử, Hàn lâm viện Thị thư và được thăng là Trình Khê hầu.

Lúc bấy giờ, triều đình nhà Minh bên Trung Quốc vẫn chưa chịu từ bỏ âm mưu bành trướng xuống phía Nam. Nhân lúc nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, nhà Minh đã sai sứ sang hỏi tội nhiều lần, vua Mạc đã phải dùng đến hình nhân vàng bạc để đút lót thì sứ nhà Minh mới chịu về. Vào năm Giáp Ngọ 1534, nhà Minh lại lấy cớ hằng năm thiếu cống vật nên đã sai Hán Ninh Hầu Cừu Loan làm Tổng đốc quân vụ, Binh bộ Thượng thư Mao Bá Ôn làm Tham tán quân vụ và huy động quân Lưỡng Quảng sang hỏi tội nhà Mạc. Đóng quân trên đất Trung Quốc bên kia biên giới, Mao Bá Ôn đưa bài thơ “Vịnh bèo” để thử thách, nhằm gây sự với thái độ hống hách miệt thị nhà Mạc. Nội dung bài thơ được dịch như sau:

Ruộng nước lênh đênh nhỏ tựa kim/ Nơi nơi trông thấy mọc nông mèm.

Đã không cành cội còn không gốc/ Dám có rễ mầm lại có tim.

Xem thêm:  “Ác giả, ác báo”

Nào biết nơi tan duy biết tụ/ Chỉ hay khi nổi nọ khi chìm.

Giữa trời giông tố thình lình nổi/ Quét bạt ra khơi hết kế tìm.

Với bài thơ này, cả triều đình nhà Mạc khi đó không ai họa được, vua Mạc đành phải cho triệu Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu vào triều để hỏi tình hình như thế thì làm thế nào? Ngô Miễn Thiệu vào triều rồi xem bài thơ và nói:…Nếu không có lời lẽ thống thiết thì làm sao lui được quân Minh, nhà vua muốn thì có khó gì! Nói xong, ông bèn họa thơ của Mao Bá Ôn và thảo điệp văn gửi cho quân Minh và ký tên Đầu Mục Mạc Đăng Dung. Bài thơ họa của Ngô Miễn Thiệu được dịch như sau:

Vảy gấm ken dày chẳng lọt kim/ Lá liền rễ mọc kệ nông mèm.

Mây bạc không cho soi thủy diện/ Ánh hồng đâu dễ rọi ba tâm.

Sóng dồn ngàn lớp không xô vỡ/ Gió rập muôn cơn khó đánh chìm.

Rồng cá ít nhiều nương dưới đó/ Cần câu Lã Vọng hết mong chờ.

Tương truyền, khi đến triều đình nhà Mạc, đọc bài thơ xướng “Vịnh bèo” xong, Trạng Thiệu đứng lên vừa đi đi lại lại vừa đọc bài thơ họa cho viên quan bộ Lễ chép, do đó đương thời mới khen Trạng Thiệu có tài “Lập thi thoái lộ”, nghĩa là đứng làm thơ mà lui được giặc. Sau khi nhận được bài họa thơ “Vịnh bèo” và bài Điệp văn, Mao Bá Ôn biết nước Nam còn có người tài, chẳng dễ gì khuất phục, bèn rút quân về. Khi về, Mao Bá Ôn tâu lên triều đình nhà Minh rằng: An Nam từ Hán Đường đến nay tuy xưng là nội phụ nhưng phong tục mọi rợ, khí hậu chướng độc, vẫn không thích hợp với Trung Quốc, đại khái vài năm lại sinh loạn một lần, liên kết bè đảng vây hãm đánh giết, lại phải mất vài năm mới dẹp yên được. Ngày trước, Trương Phụ đem 10 vạn quân tổn phí rất nhiều mà chỉ lập quận, huyện được vài năm, rồi kẻ phản nghịch nối tiếp nổi lên và cuối cùng lại trở về dân man. Đây là điều chứng nghiệm rõ ràng, xét lợi hại mấy đời trước thì nên để ngoài không nên cho nội thuộc…

Xem thêm:  Chuyện về Nguyễn Công Cơ

Lời bàn:

Mao Bá Ôn là một trong những đại thần của triều đình nhà Minh ở Trung Quốc vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI. Năm 1536, chính Mao Bá Ôn là người đã cầm quân uy hiếp và buộc triều đình nhà Mạc phải thực hiện việc cống nạp. Tại sao Mao Bá Ôn lại làm bài thơ “Vịnh bèo” mà không vịnh một thứ gì khác? Lý giải về việc này, các sử gia cho rằng, đó là vì Mao Bá Ôn chơi xỏ. Bởi chính Mao Bá Ôn đã biết được tên ông nội của Mạc Đăng Dung là Mạc Bình, mà chiết tự từ chữ Hán thì “bình” tức là “bèo”. Thế mới biết sự thâm nho của chữ Hán cũng như người Hán ở Trung Quốc thời xưa là vậy.

Tuy nhiên, cha ông ta đã có câu rằng “cao nhân tất hữu cao nhân trị”. Điều này có nghĩa là dù ai dẫu có tài giỏi hay thâm thúy đến mấy thì trong thiên hạ cũng sẽ có người hơn mình. Và giai thoại về Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu trên đây là một minh chứng. Bởi thế bài xướng thơ “Vịnh bèo” đầy vẻ ngạo mạn của Mao Bá Ôn gửi cho Mạc Đăng Dung đã được hóa giải. Và cũng nhờ đó mà ngay sau khi nhận được bài họa thơ “Vịnh bèo” và bài Điệp văn của nhà Mạc, Mao Bá Ôn biết rõ nước Nam còn có người tài, chẳng dễ gì khuất phục nên bèn rút quân về. Thế mới hay tổ tiên chúng ta ngày xưa không chỉ tài giỏi trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm bằng vũ lực mà còn cực kỳ tài trí trong ngoại giao, vì chỉ với một bài thơ mà đã đủ sức mạnh để buộc kẻ ngoại xâm phải lùi bước. Đây quả là bài học hữu ích và vô giá cho hậu thế trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

hot thoi gian nghi hoc cua oc1 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *