Theo sách “Hậu Hán Thư”, phần Trần Thật truyện ở Trung Quốc thời xưa, Trần Thật tên tự Trọng Cung là người thời Đông Hán. Ông là vị quan nổi tiếng trong lịch sử về lòng khoan dung, độ lượng với mọi người. Thời ấy, hễ nhắc đến ông, người ta thường nói: “Có gì điều tốt đẹp thì ông ấy cho là thuộc về người khác, còn điều gì có lỗi thì ông ấy nhận về mình”. Ở quê nhà, Trần Thật rất có danh tiếng là người chính trực, vô tư nên người dân ai ai cũng tín nhiệm ông. Mỗi khi có chuyện gì xảy ra, dân chúng thường đến nhờ ông phân xử đúng sai, phải trái.
Trong sách nêu trên có đoạn ghi lại rằng: Vào một năm gặp phải mất mùa, dân chúng khắp nơi trong địa phương bị chết đói. Có một tên trộm lẻn vào nhà Trần Thật, trốn ở trên xà nhà để chờ thời cơ lấy trộm. Trần Thật phát hiện ra nhưng lại không hề lên tiếng mà đứng dậy sửa soạn quần áo nghiêm chỉnh. Sau đó, ông gọi các con, các cháu đến phòng. Khi con cháu đã đến đông đủ, ông nói với họ: Con người là không thể không cố gắng. Người mà làm một số hành vi sai trái thì chưa hẳn đã là người có bản tính xấu xa. Chẳng qua chỉ là do những thói quen xấu trong một thời gian dài dưỡng thành khiến họ đến nông nỗi ấy mà thôi. Giống như vị quân tử đang ẩn núp trên xà nhà này cũng vậy.
Tên trộm nghe thấy những lời nói này của Trần Thật thì giật mình hoảng hốt. Anh ta bèn lập tức xuống rồi quỳ gối, dập đầu tạ tội với Trần Thật. Trần Thật đỡ anh ta dậy và nói: Nhìn dáng vẻ của cậu, không giống một kẻ xấu. Cậu nên nhìn lại mình, một lòng hướng thiện mới là đúng. Bất quá, nói đi cũng phải nói lại, cậu sở dĩ trở thành như vậy, hẳn cũng là do nghèo khó mà ra. Sau đó, Trần Thật không những không xử phạt tên trộm mà còn bảo người nhà tặng anh ta một ít vải lụa để bán đi lấy tiền sống tạm qua ngày. Hơn nữa, tên trộm là người địa phương, Trần Thật biết rõ tên tuổi anh ta nhưng cả đời ông cũng không nhắc lại chuyện ấy với bất kỳ ai. Chính nhờ lòng khoan dung độ lượng, lấy mình làm gương và khéo léo giáo dục đạo đức cho mọi người mà trong huyện của ông rất ít đạo tặc.
Trần Thật có 6 người con. Trong đó, 2 người con trai của ông là Trần Kỷ, Trần Trạm là người có đức hạnh và tài năng xuất chúng. Khi anh em họ còn nhỏ, có một lần, một vị khách đến nhà thăm Trần Thật. Trần Thật vừa tiếp đãi, trò chuyện với vị khách, vừa sai bảo 2 anh em Nguyên Phương và Quý Phương nấu cơm đãi khách. Nguyên Phương và Quý Phương vừa làm vừa bị cuộc trò chuyện của cha và vị khách hấp dẫn một cách sâu sắc. Trong lúc mải nghe cha nói chuyện, 2 người không để tâm vào việc nấu cơm, kết quả làm cho cơm trở thành cháo.
Đến lúc ăn cơm, 2 anh em Nguyên Phương và Quý Phương không biết làm thế nào, đành đi đến trước mặt cha, quỳ lạy hành lễ. 2 anh em nhận lỗi, nói: Chúng con vì mải nghe lén cuộc trò chuyện của cha và đại nhân, nên quên mất mà nấu cơm thành cháo. Trần Thật nghe xong những lời thật thà của con, trong lòng có chút bực mình. Nhưng ông lại giữ bình tĩnh và hỏi 2 con: Các con nghe cả nửa ngày, vậy có nhớ rõ được điều gì không?
2 anh em trả lời: Chúng con có nhớ một chút. Trần Thật nói: Vậy 2 huynh đệ các con hãy nói thử xem! Thế là 2 anh em lần lượt kể lại, điều mà người này quên thì người kia nhắc, bổ sung cho nhau. Rốt cuộc, 2 anh em đã thuật lại hoàn chỉnh cuộc trò chuyện giữa cha và vị khách, không thiếu sót chút nào.
Trần Thật nhờ đó mà nhìn ra tài năng của 2 người con trai, nên cao hứng nói: Có thể được như thế thì uống bát cháo cũng không sao. Cần gì phải nhất định ăn cơm đâu! Điều đáng tiếc là Trần Quý Phương mất khi còn rất trẻ, không thể phát huy được tài năng của mình. Nhưng Trần Nguyên Phương thì nhờ sự dạy bảo khoan dung của cha mà thành tựu được sự nghiệp to lớn. Ông làm quan đến chức Đại Hồng Lư, nổi tiếng là người tài đức, được dân chúng khắp nơi ca ngợi.
Lời bàn:
Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, đối với mỗi gia đình thì phương pháp giáo dục của cha mẹ là yếu tố quan trọng hàng đầu hình thành nên tính cách và phẩm chất của người con. Thời xưa, không phải chỉ ở các quốc gia phương Đông nói chung hay Trung Hoa nói riêng mà ngay cả ở Việt Nam, “khoan dung, nhân hậu” là phương pháp giáo dục được rất nhiều bậc hiền nhân áp dụng để bồi dưỡng ra những người con tài đức vẹn toàn. Và để giáo dục ra những người con tốt, có tài, có đức thì trước hết cha mẹ phải tu dưỡng, làm tấm gương tốt để các con noi theo.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Sông to, biển rộng, thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ…”. Theo Người, chỉ có nâng niu, trân trọng, khuyến khích mặt tốt, mặt thiện trong mỗi con người thì mới cải hoán được những con người mắc phải các “thói hư, tật xấu” và “lầm đường, lạc lối”. Để làm được điều ấy thì ắt phải có tấm lòng độ lượng, khoan dung và nhân hậu.
Theo Tapchivanhoc.com