Án oan thiên niên kỷ

Cho đến bây giờ, mặc dù nỗi oan của vị đại khoa Lê Văn Thịnh đã được hậu thế chứng minh và trả cho ông những danh vị vốn có, nhưng trong đời sống dân gian thì những câu chuyện, giai thoại về vị quan đầu triều nức tiếng tài cao đức trọng vẫn còn lưu mãi. Tương truyền, ngày Lê Văn Thịnh đi thi, khi ông đi đến Gia Lâm thì chợt nhớ để quên ống quyển ở nhà. Lúc đó, mặt trời đã sắp lên tới đỉnh đầu, ông chỉ tay lên đầu mà rằng: Nếu trời phù hộ cho ta, xin mặt trời dừng tại đó. Nói xong ông quay ngựa về nhà lấy ống quyển, khi tới trường thi mặt trời vừa chính ngọ, ông kịp vào dự thi và khi làm xong bài thi thì đã nửa đêm.

Có giai thoại kể lại rằng, sau ngày đỗ đạt, Lê Văn Thịnh về quê ngoại ở Ngô Xá trang để bái yết tông đường. Khi đến nơi thì mây che tứ phía, trời đất tối sầm, không thể đi được. Phút chốc trời lại quang đãng. Các tầng lớp ở Ngô Xá từ bô lão, sĩ phu đến trai tráng đều sợ hãi mà ra bái yết và tự nhận là gia thần – tôi con của ông. Lê Văn Thịnh truyền bảo quân sĩ đóng tại đấy, sửa soạn yến tiệc, mời mọi người cùng ăn uống. Trong bữa tiệc hôm đó có một vị bô lão thưa rằng: Ngô Trang là quê ngoại của thân mẫu quan Trạng, quan Trạng cũng coi như quê nội, thật là cảm kích, xin quan Trạng cho nơi đặt yến tiệc này sau làm nơi thờ cúng người. Ông nhận lời. Từ đó, người dân trong trang đã dành ra 50 mẫu ruộng để hằng năm tế tự và tu sửa đền thờ.

Xem thêm:  Quan giỏi hiếm có

Một hôm, Lê Văn Thịnh về thăm lối cũ, trường xưa ở Chi Nhị trang, nhà trường làm lễ đón tiếp trọng thể. Tỏ lòng biết ơn ông, các môn sinh và nhân dân tự xin nhà học làm đền thờ quan trạng sau này. Ông thuận lòng và tặng nhà trường ba chữ “văn xiển giáo” (ba chữ này được nhân dân khắc vào cuốn thư treo tại đền thờ ông), mọi người vui mừng bái tạ.

Lại có chuyện kể rằng, vào một ngày mưa gió, sấm chớp, trời tối sầm bỗng có đám mây ngũ sắc bay về bầu trời Đông Cứu, trong đám mây đó có dáng hình Lê Văn Thịnh. Khi trời quang mây tạnh, không thấy bóng ông nữa. Và phía chân núi, nhân dân thấy có một đống đất mối đùn to, bèn đắp thành ngôi mộ và lập đền thờ ông gần đấy. Hôm đó là ngày mồng bảy, tháng giêng, chính là ngày Lê Văn Thịnh hóa tiên.

Nhân dân làng Đình Tổ, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành thường gọi ông là “Ông Trạng Đông Cửu”. Truyện về ông ở Đình Tổ tương tự truyền thuyết và thần phả ở Bảo Tháp. Riêng chi tiết Lê Văn Thịnh hóa tiên, ở Đình Tổ gọi là ngày mất và kể có khác. Truyện kể rằng: Vào phiên chợ Đình Tổ, ngày 24 tháng Chạp, Lê Văn Thịnh trên đường từ Thao Giang về quê, do sức yếu nên khi đến đây, ông bị ngã vào quầy kim dao rồi mất. Nhân dân lo sợ, đặt ông lên thuyền nan đẩy ra hồ sen ven sông Dâu để thi hài trên đám bèo rồi úp thuyền lên. Ngày sau, mối đùn chỗ ấy thành mộ

Xem thêm:  Thói quen tốt

Với những giấy tờ tùy thân và quan niệm chết vào giờ linh, nhân dân Đình Tổ đã lập ông làm thành hoàng làng. Sau ngày Lê Văn Thịnh mất, nhân dân một số làng ở Gia Bình, Quế Võ, Thuận Thành lập đền thờ và tôn làm thành hoàng. Đời Cảnh Hưng năm thứ 28, tức năm 1767 và các triều đại phong kiến sau này đều ghi công và gia phong thành hoàng.

Ngày 5-2-1994, nhà nước đã cấp Bằng công nhận di tích Lịch sử – Văn hóa đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh tại làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Lời bàn:

Với những công lao to lớn đóng góp cho triều đình, đặc biệt là những kế sách của ông trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược nên vào năm 1085, Lê Văn Thịnh được vua Lý Nhân Tông thăng chức cao nhất là Thái sư. Như vậy, chỉ trong vòng 10 năm xông pha chốn quan trường, Lê Văn Thịnh đã trở thành vị Thái sư đầu triều, một vị trí ở dưới một người mà trên vạn người không phải ai cũng có được nhanh chóng như vậy. Tuy nhiên, thói đời từ xưa tới nay vẫn “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Tài năng như Lê Văn Thịnh đã không sao thoát khỏi thói đời bị người ghen kẻ ghét. Chính vì lẽ đó, ông vướng vào một nỗi oan khiên kéo dài gần một ngàn năm.

Mặc dù chính sử “Đại Việt sử ký toàn thư” đã chép về tội của ông nhưng người dân ở quê hương vẫn nhất nhất tin ông vô tội. Ông đã bị sự ti tiện của đám gian tham hãm hại. Và ngày nay, nỗi oan của ông đã được cởi bỏ. Việc ông đại diện cho tư tưởng cấp tiến của Nho giáo tam trường và những cải cách tiến bộ của ông về kinh tế và xã hội là một ngáng trở đối với quyền lợi của tầng lớp tăng lữ, đạo Phật đầy thế lực trong triều đình nhà Lý lúc bấy giờ. Câu chuyện thoán nghịch “là do họ dựng lên để hãm hại ông”. Thế mới hay rằng, thời nào cũng vậy, chính nhân dân mới là những người viết sử trung thực nhất và cũng chính nhờ nhân dân mà tên tuổi cũng như sự nghiệp của Lê Văn Thịnh mãi mãi trường tồn cùng dân tộc.

Theo Tapchivanhoc.com

Check Also

chan dung nu sinhb3fe 310x165 - Tổ quốc trên hết

Tổ quốc trên hết

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, năm 1916, bà Hoàng Thị Tòng từ Hàng Châu …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *